Bài viết chuyên đề

CÔNG NGHỆ CHUYỂN ĐỔI IPV4 SANG IPV6 (CHUYÊN ĐỀ ĐÀO TẠO IPV6 – PHẦN 14)

02/04/2019 02:34:25

CÔNG NGHỆ CHUYỂN ĐỔI IPV4 SANG IPV6 (CHUYÊN ĐỀ ĐÀO TẠO IPV6 – PHẦN 14)

1. Tổng Quan về công nghệ chuyển đổi IPv4 Sang IPv6

Thay thế chuyển đổi một giao thức Internet không phải điều dễ dàng. Trong lịch sử hoạt động Internet toàn cầu, địa chỉ IPv6 không thể tức khắc thay thế IPv4, trong thời gian ngắn. Đây phải là quá trình dần dần. Thế hệ địa chỉ IPv6 phát triển khi IPv4 đã hoàn thiện và hoạt động trên mạng lưới rộng khắp toàn cầu. Trong thời gian đầu phát triển, kết nối IPv6 cần thực hiện trên cơ sở hạ tầng mạng lưới IPv4. Mạng IPv6 và IPv4 sẽ cùng song song tồn tại trong thời gian dài, thậm chí mãi mãi. Trong phần nội dung này, bạn đọc sẽ tìm hiểu các công nghệ chuyển đổi IPv6 – IPv4. Bạn đọc cũng sẽ thực hiện một bài thực hành thiết lập và sử dụng dịch vụ tạo đường hầm (tunnel) miễn phí hiện đang được cung cấp trên Internet để có thể có địa chỉ ipv6 sử dụng trong mạng Lab cũng như kết nối được mạng Lab của mình tới Internet IPv6 và những mạng IPv6 khác, sử dụng kết nối Internet IPv4. 

Chuyển đổi sử dụng từ thủ tục ipv4 sang thủ tục ipv6 không phải là một điều dễ dàng. Trong trường hợp thủ tục ipv6 đã được tiêu chuẩn hóa hoàn thiện và hoạt động tốt, việc chuyển đổi có thể được thúc đẩy thực hiện trong một thời gian nhất định đối với một mạng nhỏ, mạng của một tổ chức. Tuy nhiên khó có thể thực hiện ngay được đối với một mạng lớn. Đối với mạng Internet toàn cầu, có thể nói là không thể. Thủ tục ipv6 phát triển khi ipv4 đã được sử dụng rộng rãi, mạng lưới ipv4 Internet hoàn thiện, hoạt động dựa trên thủ tục này. Trong quá trình triển khai thế hệ địa chỉ ipv6 trên mạng Internet, không thể có một thời điểm nhất định mà tại đó, địa chỉ ipv4 được hủy bỏ, thay thế hoàn toàn bởi thế hệ địa chỉ mới ipv6. Hai thế hệ mạng ipv4, ipv6 sẽ cùng tồn tại trong một thời gian rất dài. Trong quá trình phát triển, các kết nối ipv6 sẽ tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có của IPV4.

Do vậy cần có những công nghệ phục vụ cho việc chuyển đổi từ địa chỉ ipv4 sang địa chỉ ipv6. Những công nghệ chuyển đổi này, cơ bản có thể phân thành ba loại như sau:

1.1 Dual-stack:

Dual-stack là hình thức thực thi TCP/IP bao gồm cả tầng IP layer của Ipv4 và tầng IP layer của ipv6 như hình.

Ứng dụng hỗ trợ dual-stack sẽ hoạt động được cả với địa chỉ ipv4 và địa chỉ ipv6. Việc lựa chọn địa chỉ dựa trên kết quả trả về của truy vấn DNS. Thông thường, theo mặc định, địa chỉ ipv6 trong kết quả trả về của DNS sẽ được lựa chọn so với địa chỉ ipv4.

Về ứng dụng hiện nay hoạt động dual-stack, có thể lấy ví dụ: HĐH Window XP, Window 2003 server, HĐH của router Cisco.

  • Dual stack trong HĐH window: Thực tế, thủ tục ipv6 trong HĐH window chưa phải là dual-stack đúng nghĩa. Driver của Ipv6 protocol (Tcpip6.sys) chứa hai thực thi tách biệt của TCP, UDP, tuy nhiên cũng được đề cập như một thực thi dual-stack.
  • Dual stack trong HĐH Cisco: Khi người quản trị mạng cấu hình đồng thời cả hai dạng địa chỉ cho một giao diện trên Cisco router, nó sẽ hoạt động dual-stack.

1.2 Công nghệ đường hầm (Tunnel):

Địa chỉ ipv6 phát triển khi Internet ipv4 đã sử dụng rộng rãi và có một mạng lưới toàn cầu. Trong thời điểm rất dài ban đầu, các mạng IPV6 sẽ chỉ là những ốc đảo, thậm chí là những host riêng biệt trên cả một mạng lưới ipv4 rộng lớn. Làm thế nào để những mạng ipv6, hay thậm chí những host ipv6 riêng biệt này có thể kết nối với nhau, hoặc kết nối với mạng Internet IPV6 khi chúng chỉ có đường kết nối ipv4. Sử dụng chính cơ sở hạ tầng mạng ipv4 để kết nối ipv6 là mục tiêu của công nghệ đường hầm.

1.3 Công Nghệ Biên Dịch NAT-PT

Công nghệ biên dịch thực chất là một dạng công nghệ NAT, thực hiện biên dịch địa chỉ cho phép host chỉ hỗ trợ IPv6 có thể nói chuyện với host chỉ hỗ trợ IPv4. Công nghệ phổ biến được sử dụng là NAT-PT. Thiết bị cung cấp dịch vụ NAT-PT sẽ biên dịch header và địa chỉ cho phép IPv6 host nói chuyện với IPv4 host như hình:

Xem tiếp phần 15: http://waren.vn/chuyen-de/cong-nghe-duong-ham-tunnel-chuyen-de-dao-tao-ipv6-phan-15.html